Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Lễ Lòng chúa thương xót

Không có nhận xét nào :

BÀI GIẢNG LỄ
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
 Lm. G.B Trương Đình Hà

CHIỀU KÍCH THẦN HỌC CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
- Đọc Tin Mừng Ga 19, 28-30; 31-37.

Kính thưa cộng đoàn,
Chúng ta mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vào mỗi thứ sáu đầu tháng, đặc biệt hơn, trong tháng sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nói đến Thánh Tâm là nói đến trái tim, nói đến tình yêu. Mà tình yêu bao gồm sự tha thứ, bao gồm lòng cảm thông, bao gồm lòng thương xót. Hội Lòng Chúa Thương Xót mừng kính Thánh Tâm Chúa trong ý nghĩa này. Có lẽ ông bà anh chị em đã được nghe các cha giảng nhiều về Lòng Chúa Thương Xót, về ý nghĩa của bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót qua thị kiến của chị Thánh Faustina; Tuy nhiên chúng ta không dừng lại ở những chiều kích bên ngoài, hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em chiều kích thần học của lòng Chúa thương xót.

1. Lòng thương xót phát xuất từ Chúa Cha
Mình thương ai, mình cũng muốn người đó biết tên của mình. Thiên Chúa đã thương xót nhân loại. Chúa mạc khải cho nhân loại nhận biết Chúa. Chúa có tên không, thưa có; vì vậy cho biêt tên chính là mở ra cho con người đụng chạm tới Chúa, cho biết tên là cho biết chính con người của mình. Một cách nào đó là tự trao mình, để người ta tiếp xúc với mình; có thể hiểu biết mình cách thân mật hơn, và có thể gọi tên mình cách cá vị (x. GLHTCG 203).
Thiên Chúa đã tự mạc khải cho dân Ngài cách tiệm tiến và dưới nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên chúng ta nhận thấy mạc khải căn bản nhất là mạc khải cho ông Môisen trong bụi gai cháy bừng, nhưng không bị tàn lụi. Chúa nói với ông Môisen:"Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob" (Xh 3,6). Rồi Thiên Chúa thấy cảnh dân bị đọa đày, sống kiếp nô lệ trong đất Ai Cập, bị hành hạ, bị đánh đập, thiếu ăn mà phải lao động nhiều. Chúa muôn giải thoat dân khỏi nô lệ Ai Cập. Thế thì Chúa mới kêu gọi ông Môsê làm thủ lãnh, ông Môsê thưa với Thiên Chúa...Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hởi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? Thiên Chúa nói với ông Môisen: "Ta là Đấng Hiện Hữu". Ngài phán: "Ngươi nói với con cái Israel thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em...Đó là Danh Ta cho đến muôn thuở, đó là Danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia" (Xh 3,13-15)
Như vậy Chúa mạc khải Danh Thánh của Chúa đồng thời cũng mạc khải lòng Chúa xót thương, Chúa thành tín, Chúa công bình, Chúa quyền năng, Chúa đầy yêu thương, Chúa muôn cứu vớt nhân loaị tội lỗi ngập tràn, sa đọa. Chúa là Đấng nhân từ và đầy yêu thương, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Trong cựu ước cho dầu dân Do Thái đã bao lần phản bội bỏ Chúa, thờ bò vàng, đàng điếm...Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Cho dầu người mẹ có quên con, Ta cũng không quên cac ngươi. Chúa dẫn dân ra khỏi Ai Cập và đưa dân về miền đât hứa vì Chúa thương xót dân Người.

2. Chúa Giêsu chính là lòng thương xót của Chúa Cha
Tên cực Thánh Chúa Giêsu nghĩa là gì? Là "Cứu Chúa", nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ". Chính tên thiên thần Gabriel khi truyền tin đã đặt tên cho Chúa Ngôi Hai: "Tên Ngài là Giêsu vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội" bởi vì không có ai có quyền tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa.
Cuộc đời của Chúa Giêsu phản ảnh lòng thương xót của Chúa Cha.
- Chúa sinh nơi nghèo hèn vì để đồng cảm với nhân loại nghèo hèn
- Chúa chịu di tản khỏi cuộc bắt giết của Hêrôđê, ngày hôm nay các tín hữu còn bị bắt bớ trên nhiều nơi trên thế giới. Ở các nước Hồi Giáo, ở Ấn Độ...Tại trên quê hương Việt Nam của chúng ta, máu các thánh tử đạo đã minh chứng điều đó.
- Chúa sống đời ẩn dật nghèo khó ở làng quê Nazareth, để sẻ chia với kiếp người lam lũ nghèo khó của con người . Ngày nay vực thẳm ngăn cách giữa giàu với nghèo càng rõ nét. Nhiều gia đình nghèo, nhiều em bé còn bơ vơ...những trại khuyết tật, những trường khiếm thính, khiếm thị...những trại phong...
- Chúa đi rao giảng Nước Trời để con người được biết Chúa, biết lòng Chúa thương xót, để con người được sống trong ân nghĩa của Chúa, để con người được cứu độ.
- Chúa chịu đau khổ để đồng hành với những đau khổ của con người: thập giá, sỉ nhục, đau thương, bị bỏ rơi, bị mắng chưởi, bị vu oan, bị đánh đòn, bị giết chết thê thảm tủi nhục đau thương, trần truồng trên thập giá để đồng cảm yêu thương nhưng con người đang bị bỏ rơi, đang bị tủi nhục đau thương dưới mọi hình thức trên khắp thế giới. Mới đây trên báo chí trong ngoài nước đều đăng tải sự phẩn uất của dân chúng Ấn Độ, có hai em gái Ấn Độ thuộc tầng lớp bần cùng nhất bị hiếp dâm rồi giết chết treo trên cây xoài.
- Lòng thương xót của Chúa thể hiện trên thập giá Chúa đã đỗ nhũng giọt máu và nước cuối cùng cho nhân loại. Trái tim Chúa đã chết vì yêu nhân loại vì thương xót nhân loại khốn cùng.

3. Ta phải là những "chứng nhân" của lòng Chúa thương xót
- Cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa,
Chúng ta hãy gục đầu vào lòng Chúa, vào Thánh Tâm Chúa, nơi đó chúng ta, với tất cả lòng sám hối chân thành, xin Chúa thương xót con người của chúng ta bất xứng, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, của anh chị em, của nhân loại đang phản bội Chúa, xa Chúa, bất kính với Chúa hàng ngày. Để một khi nhận được ơn tha thứ của Chúa, chúng ta cũng biết tha thứ cho anh chị em chúng ta.
- Chứng nhân qua cử chỉ tha thứ mỗi ngày
Điều tha thứ nói vậy nhưng không phải dễ. Tha thứ cho những bất đồng chúng ta gặp hằng ngày trong cuộc sống. Trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng hãy tha thứ cho nhau. Với người chung quanh hàng xóm láng giềng, gặp sự bất đồng hãy mau mắn làm hòa và tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy biến lời kinh thành lời tha thứ thật. Chứ không phải ngày nào chúng ta cũng nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót mà cứ ra ngoài gặp người là nguýt, là háy (Ồ cái con mẻ đó thấy ghét ??? khó ưa không chịu được), rồi thường xuyên nói hành nói xấu nhau. Nếu sống như vậy thì cho dẫu chúng ta có đọc kinh lòng Chúa Thương Xót mà không biết thương xót thì không được ích gì.
- Gương tha thứ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Mẫu gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã tha thứ cho Ali Agca, kẻ đã cố giết ngài vào ngày 13/5/1981 tại quảng trường thánh Phêrô, đã bắn bốn phát súng đạn 9mm (li) vào người của Đức Thánh Cha. Sau đó Ngài được đưa vào bệnh viện cứu chữa. Ali Agca đã bị kết án tù chung thân. Sau khi bình phục Cha thánh Gioan Phaolô II đã vào nhà tù thăm Ali và nói với anh lời tha thứ. Năm Thánh 2000, cha Thánh Gioan Phaolô II xin Tổng thống Ý tha cho Ali, và sau 20 năm trong tù, Ali được Ý trao trả về Thổ Nhỉ Kỳ vào năm 2001. Một trong các viên đạn lấy ra, Đưc Thánh Cha đã đến hành hương tạ ơn Đức Mẹ tại đền Thánh Fatima và đặt vào mũ triều thiên Đức Mẹ ngày 13/5/1982. Đau đớn vì bệnh tật nhưng cha thánh đã hoàn thành sứ vụ của ngài, Đức thánh Giáo Hoàng trút hơi thở vào lúc 21g37 phút ngày 2/4/2005 áp lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày lễ cha đã lập từ năm 2000. Và ĐGH Benêđictô XVI tuyên phong bậc Đáng kính ngày 19/12/2009, chân phước ngày 01/5/2010 và ĐGH Beneđictô và Fanxicô đã tôn phong hiển thánh ngày 27/4/2014.

Điều thực hành: Ngay hôm nay, chúng ta hãy tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình. Và cũng đừng lên án nói xấu, mà là nghĩ tốt cho người khác tìm điều tốt, điều thiện hảo làm cho người khác.
Đức Thánh Cha Fanxicô đã nói đến lòng thương xót như sau để giáo huấn chúng ta trong buổi nói chuyện với khách hành hương trưa chúa nhật V mùa chay tại Quảng trường Thánh Phêrô: "Gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta...vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài bằng tất cả con tim". (Đức Thánh Cha Phanxicô, bài nói chuyện trưa chúa nhật 17/03/2013)
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Ngày nay hơn lúc nào hết, thế giới càng cần Lòng Chúa Thương Xót. Ở mọi lục địa, từ sâu thẳm của những khổ đau của nhân loại, lời kêu xin Lòng Chúa Thương Xót hằng vọng lên khắp nơi. Nơi nào ghen ghét và lòng khát vọng trả thù ngự trị, nơi đó chiến tranh lại đem đến đau khổ và chết chóc cho những người vô tội; và nơi đó Lòng Chúa Thương Xót càng cần thiết để đem lại sự ổn định cho tâm hồn và con tim nhân loại, và đem lại an bình. Nơi nào thiếu tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, nơi đó càng cần Lòng Chúa Thương Xót, vì trong ánh sáng của Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta nhận ra giá trị tuyệt vời của mỗi con người…”  “Tình Thương Xót Chúa rất cần thiết để những bất công trên thế giới được chấm dứt và Ánh Sáng Chân Lý được ngời sáng…” (ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng “Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót ” năm 2001)

Để kết thúc chúng ta cùng dâng lên Chúa Giêsu lời nguyện cầu sau đây:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là tình yêu, là hiện thân của Chúa Cha nơi trần gian. Chúa chính là lòng thương xót của Chúa Cha trao ban cho nhân loại. Chúng con xin cảm tạ tình yêu vô biên Chúa đã dành cho chúng con. Chúa đã yêu thương chúng con, tha thứ cho chúng con, cứu độ chúng con. Xin giúp chúng con biết sống đền đáp tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con. Đó là biết thực thi lời Chúa, biết sống theo giáo huấn của Chúa. Biết rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ và sự tha thứ của Chúa. Lạy Chúa, xin cũng dạy chúng con biết yêu Chúa và yêu mọi người như Chúa yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con có một trái tim như Chúa để chúng con luôn đối xử tốt với nhau trong thân ái, trong yêu thương và kính trọng. Xin cho chúng con cũng biết tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng con như chính Chúa đã làm gương cho chúng con. Nhờ những dấu chứng yêu thương đó mà chúng con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
                                                Bà rịa 06/06/2014
                                      

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét